BLOG VUS
KHƠI MỞ TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG

Trang chủ 5 blog 5 Bí quyết học tiếng Anh 5 Bí quyết chinh phục hứng thú của trẻ tại lớp tiếng Anh online

Tiếng Anh Trẻ Em

Bí quyết chinh phục hứng thú của trẻ tại lớp tiếng Anh online

Cập nhật mới nhất ngày 23/10/2021

Theo nhận định của các chuyên gia, 13 phút là thời gian trung bình mà một đứa trẻ từ 6 đến 10 tuổi có thể duy trì sự tập trung. Và đó cũng là khoảng thời gian “then chốt” quyết định độ hiệu quả của một buổi học tiếng Anh online, trong đó tăng cường tương tác chính là chìa khóa.

Học online: Từ giải pháp tạm thời đến xu thế dài lâu

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam, mà hơn 55% học sinh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang tích cực chuyển sang hình thức học trực tuyến. (Theo một khảo sát gần đây của Kaspersky)

Trước diễn biến phức tạp, không ai có thể lường trước được chuyện gì, các chuyên gia đầu ngành giáo dục cho rằng: Học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức hoặc kết hợp linh hoạt cùng giảng dạy trực tiếp.

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về độ hiệu quả của việc này vì nhiều lý do: nhà đông anh em nhưng lại thiếu thiết bị học tập, bố mẹ quá bận bịu để theo sát việc học của con, học sinh lén lút chơi game, tắt camera trong giờ lên lớp,… và vô vàn những tình huống “oái ăm” khác còn đang tranh luận khắp các diễn đàn.  

Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ để trẻ lãng phí những năm đầu đời mà không làm gì cả? Bởi việc quan trọng là hành động và tìm ra cách để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại chứ không phải là đòi hỏi hoàn cảnh thích ứng với mình rồi mới hành động. 

Tương tự như bất kỳ môn học nào khác, một không gian học tập sinh động và tăng cường tương tác chính là chìa khóa khơi mở chặng đường Anh ngữ online thêm phần hứng thú, say mê cho trẻ ngay thời điểm hiện tại.

Vì sao học tiếng Anh online trẻ cần tương tác nhiều hơn?

Bên cạnh sự thật về “13 phút duy trì tập trung” ở đầu bài viết, nhiều Phụ huynh cho biết ngồi quá lâu trước màn hình máy tính sẽ có hại cho mắt, não và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Về lâu dài, tâm lý của trẻ liền trở nên cáu bẳn, không ổn định và giảm khả năng ghi nhớ.

Ở một diễn biến khác, nội dung bài giảng trực tuyến chưa khai thác được những ưu điểm của công nghệ và phần mềm giảng dạy mà chỉ “bê nguyên xi” bài học trong sách giáo khoa bỏ lên bảng trình chiếu, khiến cho trẻ càng thêm…ngán ngẩm, không chủ động phát biểu do thiếu không khí của một lớp học thực tế, dẫn đến việc Giáo viên gặp khó khăn trong việc đánh giá mục tiêu bài giảng.

Đối mặt với hiện thực rằng “bình thường mới” nghĩa là mọi việc không thể trở lại như trước đây, nhiều học sinh đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình trong báo cáo của Kaspersky: Em nhỏ vừa vào cấp 1 cần được “cầm tay gò chữ” nay phải “cầm chuột gõ bàn phím”, 57% học sinh cho biết cảm thấy bài học khó hiểu hơn khi ở trên lớp, 74% cảm thấy không thể thích nghi với việc học trực tuyến… Chương trình chính quy đã khó khăn đủ đường, đừng nói gì đến việc học tiếng Anh – ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.

Để khắc phục điều này, trung tâm Anh ngữ uy tín như VUS đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu và bài bản để phát huy tối đa những phương pháp dạy – học trực tuyến cũng như tính năng của các nền tảng hỗ trợ để tăng cường tương tác, khơi gợi cảm hứng học tập cho học viên. Đặc biệt, các giải pháp này sẽ tiếp tục được ứng dụng triệt để nhằm tăng cường không khí lớp học và khơi dậy niềm say mê học tập trong quá trình học tập trực tiếp khi được quay lại trường học.

“Màn hình ảo, tương tác thật” trong lớp học Anh ngữ 

Để tạo cảm hứng cho học viên, thầy cô cần giảm thời gian thuyết trình, tăng cường cách thức tương tác với học sinh thông qua màn hình máy tính. Chẳng hạn như sử dụng nhiều hình ảnh, video trực quan sinh động để mô tả nội dung học, đồng thời nhắc lại những từ vựng, ngữ pháp trọng tâm cho mỗi lần lên lớp.

Ngoài ra, nhiều trung tâm Anh ngữ cũng chia nhỏ các hoạt động trong buổi học cũng như đa dạng hoá các hoạt động tương tác chỉ kéo dài khoảng 5-7 phút/phiên nhằm giúp các em học viên học vui như chơi với các hoạt động được thay đổi liên tục, nhưng vẫn thu nạp được lượng kiến thức cần thiết.  

Bên cạnh “tài liệu số”, thầy cô cần phải tận dụng thêm các vật thể trực quan, có sẵn trong nhà như bút bi, chậu cây, cặp sách và tổ chức trò chơi “Truy Tìm Kho Báu” để khuyến khích trẻ vận động và ghi nhớ từ vựng tốt hơn. Vào giờ giải lao, giáo viên cũng có thể mở những đoạn video hoặc phát một bài hát vui nhộn để trẻ không quá xa rời khỏi thiết bị, đồng thời duy trì tương tác với bạn bè.  

Riêng với phần mềm Zoom, thầy cô sẽ khuyến khích các em thiết lập phông nền ảo để tạo ra không gian học tập mà trẻ yêu thích; luyện tập kỹ năng Nói, hội thoại bằng tính năng break-out room; sử dụng “bảng trắng online” và chia sẻ màn hình để cả thầy lẫn trò đều có thể viết, vẽ đáp án cùng với nhau; hướng dẫn các em bấm số 1 hoặc chữ A vào hộp chat nếu như hiểu bài hoặc cảm thấy vui với buổi học. Giáo viên cũng không nên bỏ sót học sinh mà cần tăng cường tuyên dương, gọi tên học sinh trong quá trình học tập.

Tất cả những thao tác trên đều cần kỹ thuật giảng dạy thuần thục cũng như sự hỗ trợ hướng dẫn từ phía Phụ huynh. Nhưng một khi các em đã quen dần với những hoạt động tăng cường tương tác kể trên, việc học tiếng Anh online sẽ giảm đi phần nào những rào cản ban đầu.

“Game hoá” kiến thức: học vui như chơi

Vì thời gian học ngắn đi nên việc thiết kế lại nội dung bài học sao cho lôi cuốn, hấp dẫn hơn vẫn là chưa đủ. Bên cạnh các tính năng sẵn có của Zoom hay Google Meets, bản thân thầy cô cần phải khám phá thêm các nền tảng khác mà các tổ chức giáo dục trên toàn cầu đang ứng dụng như ClassPoint – nền tảng được thiết kế như “bảng trắng online”, hỗ trợ GV tạo ra các hoạt động tranh tài như trong lớp học trực tiếp; Slide Drawing – kích thích sự sáng tạo của các em thông qua hoạt động vẽ tranh ảo; Live Worksheet – hệ thống xây dựng phiếu bài tập trực tuyến với cơ chế chấm điểm tự động…

Ở cấp độ mẫu giáo, giáo viên còn có thể áp dụng những trò chơi vận động: cả thầy/cô và trò cùng đứng lên và tăng cường vận động với một game 3D tương tác. Việc học thông qua trò chơi vận động vừa phù hợp với tâm lý lứa tuổi, vừa là cơ hội mang đến sự phát triển toàn diện về thể chất – trí tuệ – tâm lý cho các học viên “siêu nhí” trong điều kiện giãn cách xã hội.

Các hình thức chơi game tương tác, xếp hạng được ứng dụng tối đa nhằm tăng tính thi đua, khơi gợi hứng thú học tập của các học viên trong lớp học online 

Bên cạnh việc sử dụng các công cụ giảng dạy nói trên, Bộ phận Quản lý chuyên môn tại VUS vẫn liên tục cập nhật các nền tảng hữu ích khác hằng tuần như: Gonoodle, Wordwall, Nearpod… Đồng thời, tổ chức các buổi đào tạo & hướng dẫn tối ưu tính năng của hơn 55 công cụ khác nhau cho Giáo viên dựa trên cấp độ và các bước dạy trong một buổi học.

Theo anh Lê Đình Bảo Quốc –  Quản lý chất lượng giảng dạy cấp cao – bộ phận học vụ cho biết: “Tăng cường tương tác trong lớp học không chỉ nói về sự “tung hứng” qua lại giữa thầy và trò, mà còn bao gồm cả những hoạt động khi học viên ứng dụng các học liệu và công cụ giảng dạy mà Giáo viên cung cấp cho các em.”

Ngoài ra, tăng cường tương tác trong học tiếng Anh online không chỉ khả thi vào giờ lên lớp mà còn có thể thực hiện nhằm tăng hứng thú ôn luyện cho con ngay tại nhà. Chẳng hạn như với hệ thống thực hành tương tác chất lượng cao Online Practice – được thiết kế bởi đối tác Oxford University Press của VUS, học viên lớp Anh ngữ Thiếu Nhi Superkids (6 – 11 tuổi) có thể truy cập vào thư viện đồ hoạ sinh động, luyện tập ngay trên máy tính với những thao tác như kéo – thả, gõ đáp án và được đánh giá tức thời kèm theo bảng ghi nhận thành tích rõ ràng.

Bên cạnh đó, thư viện trò chơi Online Play cũng được mở không giới hạn với nhiều cấp độ khác nhau để học viên có thể “phá đảo” thành tích bản thân mỗi ngày, khiến việc làm bài tập không còn trở thành một hoạt động bắt buộc.

Chị H.A – một phụ huynh của lớp Superkids tại VUS chia sẻ: “Trước đây mỗi lần muốn con ngồi vào bàn ôn bài là phải “dỗ ngọt” tới lui, nay chứng kiến thầy cô không ngừng nỗ lực cho các hoạt động tăng cường tương tác, kèm theo đó là các trò chơi trực tuyến đơn giản, con tôi cũng dần xây dựng được ý thức tự học và chuẩn bị bài tốt hơn.”

Đã đến lúc cần xóa đi tư duy dạy học online không tốt bằng dạy học truyền thống bởi lẽ khi có sự đầu tư nghiêm túc về nền tảng công nghệ, hoạt động tăng cường tương tác và phương pháp giảng dạy, các lớp học trực tuyến vẫn tràn đầy năng lượng và sự kết nối.

Tạm kết

Tiếp thu và ứng dụng tiếng Anh là một hành trình dài hơi mà ở đó không nên tồn tại sự hối thúc, nhồi nhét kiến thức. Trải nghiệm “vừa chơi – vừa học”, tích lũy tri thức vững vàng mới là hướng đi đúng đắn để trẻ có thể tự tin tiếp bước trên hành trình khơi mở năng lực Anh ngữ. Xu thế học online vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, và trở thành một phần tất yếu của việc giảng dạy trong bối cảnh bình thường mới. Do đó, việc thích nghi và tích hợp công nghệ để tăng cường tương tác để tối ưu trải nghiệm học trực tuyến của học sinh là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng việc tổ chức một lớp học trực tuyến không chỉ đơn giản là “dịch chuyển” một lớp học truyền thống lên trên nền tảng online. Mà quá trình O2O (offline to online) đó còn cần phải đi cùng với sự đầu tư nghiêm túc nền tảng công nghệ, đổi mới giáo trình, nghiên cứu tiếp cận bài bản cũng như áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn nhằm bứt phá mọi giới hạn của việc học trực tuyến & tối ưu trải nghiệm học online cho các học viên.  

    NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ

    Khóa học




      NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ

      Khóa học



      Loading...
      messenger